Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Ai là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ?

1. Ai là người sang tạo ra chữ Quốc ngữ Trước khi chữ Quốc Ngữ ra đời, chúng ta đã dùng chữ Hán, chữ Nôm [1]. Chữ Hán là chữ Tàu nhưng đọc theo giọng Việt, khác hẳn giọng của những người Tàu mặc dù nước Việt đã trải qua hàng ngàn năm đô hộ. Vì truyền thống dân tộc không thể để bị đồng hóa, chữ Nôm ra đời. Chữ Nôm dùng những chữ Hán ghép lại để ghi tiếng Việt vì vậy chữ Nôm có rất nhiều nét. Chữ Quốc Ngữ [2] mà ngày nay chúng ta dùng là loại chữ dùng những mẫu tự La Tinh ghép thành. Trong tất cả những nước Á Châu, chỉ có Việt Nam và Phi Luật Tân là hai nước dùng mẫu tự La Tinh trong chữ viết. Đây là có phải là một điều hay, một niềm hãnh diện hay không? Chúng ta hãy thử bàn xem. Bàn về lợi chúng ta không phủ nhận được sự ích lợi và tiện nghi của chữ Quốc Ngữ so với chữ Hán và Nôm. Tiện nghi thứ nhất là dễ học, chỉ cần vài tháng là mọi người có thể đọc và viết được chữ Quốc Ngữ. Trong khi đó học chữ Hán cần một thời gian dài và phải nhớ từng chữ một vì chữ Hán là một loại chữ tượng hình. Học chữ Nôm còn khó hơn vì chữ Nôm là những kết hợp của chữ Hán và có rất nhiều nét. Mặt khác, trong việc in, phát hành sách báo, chữ Quốc Ngữ chỉ cần vài chục mẫu tự để ghép lại; trong khi đó chữ Nôm và chữ Hán có hằng hà sa số "mẫu tự" khác nhau. Bàn về hại thì không nhiều lắm. Với chữ Quốc Ngữ, chúng ta không phân biệt được một số chữ đọc giống nhau, viết giống nhau, nhưng lại có nghĩa khác nhau. Nếu viết theo chữ Hán thì chúng ta có thể phân biệt được (thí dụ như chữ Minh có nghĩa là sáng như Minh Mẫn, chữ Minh có nghĩa là mờ mờ như chữ U Minh). Về phương diện nghiên cứu, vì chữ Hán là loại chữ tượng hình, cho nên ta có thể phân tích những chữ viết mà giải thích lối suy nghĩ của người xưa qua phương pháp chiết tự. Bàn về có hay không hãnh diện về dùng chữ Quốc Ngữ so với chữ Nôm và chữ Hán là một vấn đề quan trọng. Nhiều người mặc cảm cho rằng chữ Quốc Ngữ là loại chữ "mượn" những mẫu tự La Tinh và do người ngoại quốc sáng chế vì vậy không có gì là hãnh diện khi dùng chữ Quốc Ngữ. Chúng tôi không đồng ý. Thứ nhất là chữ Hán là chữ của người Tàu mà chúng ta đã bị ép buộc phải dùng trong vài ngàn năm, vì sự ép buộc này nên cha ông ta đã "đẻ" chữ Nôm, loại chữ dùng chữ Hán để viết và đọc theo giọng Việt. Chữ Nôm, chữ Hán và chữ Quốc Ngữ đều là chữ mượn. Thứ hai là chữ Nôm do người "mình" chế ra còn chữ Quốc Ngữ là do người Âu Châu. Chúng tôi cũng không đồng ý về điểm này vì đây không thể là công việc một vài người có thể làm được. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này. Tóm lại chúng ta không có gì là tự ti mặc cảm khi dùng chữ viết mượn của nước khác vì đó giống như là một qui luật từ Đông sang Tây. Nước ta mượn chữ Hán để hoàn thành chữ Nôm, chữ Pháp, Bồ Đào Nha, Ý để hoàn thành chữ Quốc Ngữ. Còn Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, v.v. mượn chữ Latin để hoàn thành chữ của họ; người Pháp hãnh diện về chữ viết của họ, Nga thì do anh em Kirille dịch quyển thánh kinh để truyền đạo và đẻ ra chữ Slaves. Người Nga trọng anh em Kirille, chúng ta trọng A. de Rhodes, Barbosa thì đâu có gì lạ. Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc Ngữ có thể chia thành ba giai đoạn: giai đoạn phôi thai, gian đoạn cải tiến và giai đoạn trưởng thành.

I. Giai Đoạn Phôi Thai: Thế Kỷ 16-17

A. Nguyên Nhân

Bắt đầu từ thế kỷ 16, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở Âu Châu. Các công ty thương mãi mọc lên như nấm. Người Âu Châu đua nhanh vượt đại dương tìm đất mới. Những nước như Bồ Đào Nha (Portugal), Ý Đại Lợi (Italy), Hòa Lan (Holland), Anh (England), Pháp tranh nhau giành căn cứ, thị trường và thuộc địa. Các nhà thương mãi đi đến đâu là các nhà truyền giáo đi đến đó. Họ đến Việt Nam vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia ra Đàng Ngoài và Đàng Trong. Muốn giảng đạo, các nhà truyền giáo phải học tiếng bản xứ, vì vậy họ đã dùng chữ La Tinh để ghi lại những cách phát âm của tiếng Việt và giảng nghĩa những chữ đó bằng tiếng của họ. Lâu ngày tích tụ lại thành một quyển tự điển. Đó là nguyên nhân của sự ra đời của chữ Quốc Ngữ ngày nay, mục đích chính là các nhà truyền giáo học tiếng Việt để truyền đạo.

B. Ai Là Người Chế Ra Chữ Quốc Ngữ?

Cho đến nay có nhiều người nghĩ rằng Alexandre de Rhodes (còn được gọi là Đắc Lộ, xin chớ lầm lẫn với Bá Đa Lộc - P. De Béhaine) là ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Theo sự nghiên cứu của giáo sư Thanh Lãng thì "de Rhodes không phải là ông tổ duy nhất của chữ Quốc Ngữ và cũng không phải là một trong những ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Sự phiên âm đã có trước khi de Rhodes chưa đến Việt Nam ... Ba lần De Rhodes xác nhận là có nhiều sách vở đã viết theo lối phiên âm mà ông cho là không hợp lý lắm. Tuy nhận là không hợp lý mà ông vẫn phải tuân theo, chứng tỏ những sách kia đã phải được phổ biến lắm, nếu không de Rhodes đã đề nghị một lối khác. Tiếc rằng những sách mà de Rhodes nói đến ấy, cho đến ngày nay chúng ta chưa tìm ra một vết tích gì" [3]. Nói như vậy không phải là chúng ta phủ nhận những công trình của de Rhodes đối với chữ quốc ngữ, quyển tự điển do chính ông soạn là quyển từ điển Quốc Ngữ lâu đời nhất (1651) mà chúng ta còn giữ lại được. Trở lại vấn đề, ai là người chế ra chữ Quốc Ngữ? Không có một cá nhân nào hết. Trước de Rhodes đã có những giáo sĩ người Bồ Đào Nha như Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa đã làm những quyển tự điển đầu tiên. Nhưng ngay cả hai giáo sĩ này cũng không phải là những người chế ra chữ Quốc Ngữ, vì trước đó đã có nhiều giáo sĩ giỏi tiếng Việt như J. Roiz, G. Luis, C. Borri, v.v. còn để lại nhiều tại liệu viết từ năm 1621 (de Rhodes 1626). Vậy, chữ Quốc Ngữ được sáng chế ra bởi cả một số đông giáo sĩ trong quá trình ghi chép, phiên âm và sử dụng hàng chục năm, không xác định được là năm nào, là cá nhân nào. II. Giai Đoạn Cải Tiến: Thế Kỷ 17-18 A. Tình Trạng Chữ Quốc Ngữ Trước Từ Năm 1651 Trở Về Trước Trong giai đoạn đầu chữ Quốc Ngữ còn nhiều khuyết điểm. Những khuyết điểm đó là: chưa có các dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng), viết dính nhau và còn thiếu nhiều nguyên âm. Chẳng hạn như: Quanmguya = Quảng Ngãi Onsaij = ông sải Tuijciam biêt = Tui Chẳng Biết Mocaij = một cái Hồi này chưa có các phụ âm đơn: đ, x, v cho nên những phụ âm này được viết như sau: d = đ (đói = doij) sc = x, (xin = scin) b = v, (vào = bau) Lại thiếu phụ âm kép: ch, gh, nh, tr; cho nên: gn = nh cia = ch Đến năm 1626, chữ Quốc Ngữ đã được viết rời ra. Theo tài liệu viết tay của Francesco Buzomi: Thien chu = thiên chũ (thiên chúa) ngaọc huan = ngọc hoàng Đến năm 1632, hệ thống phụ âm, nguyên âm và các dấu thanh đã trở nên hoàn hảo. Một vài chữ từ tài liệu của Amaral: Đàng tlaõ = đàng trong, Đàng ngoày = đàng ngoài, Đđàng tlên = đàng trên Nhà thương đây = nhà thượng đài Đến đây ta đã thấy chữ Quốc Ngữ đã tiếng một bước dài. Đó là có đủ năm dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng), các nguyên âm (a, ă, â, e, ê, v.v.), các âm kép (au, ưa, âĩ, v.v.), và những phụ âm kép (nh, ch, ng, v.v.). Nhưng chữ Quốc Ngữ chưa thật sự trưởng thành cho đến năm 1651 khi quyển tự điển Việt-Bồ-La (Việt Nam - Portugese - Latin) và quyển Giáo Lý của de Rhodes ra đời. Sự ra đời của quyển Từ Điển này là một cái mốc quan trọng trong quá trình hình thành chữ Quốc Ngữ. Đây là quyển từ điển đầu tiên, nó tiêu chuẩn hóa một hệ thống chữ Quốc Ngữ. Quyển từ điển này gồm có ba phần: Phần thứ nhất viết bằng tiếng La Tinh, nói về ngữ pháp của tiếng Việt, nói về chữ, dấu, động từ, danh từ và cú pháp tiếng Việt. Đây có lẽ là cuốn ngữ pháp đầu tiên của Việt Nam. Phần thứ hai là phần chính, đó là tự điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh. Phần thứ ba là tự điển La Tinh - Việt Nam. Phần có thể coi là quyển tự điển La-Việt đầu tiên. Quyển Giáo Lý (Cathechismus) là quyển sách song ngữ, được viết bằng hai thứ tiếng La Tinh và Việt. Sách này chia ra làm tám phần, mỗi phần là một ngày học.

B. Lần Chỉnh Đốn Thứ Nhất: Từ Điển Béhaine (1772)

Sau de Rhodes là P. De Béhaine (thường được gọi là Bá Đa Lộc), với sự cộng tác của Hồ Văn Nghi và một số người Việt khác đã hoàn thành quyển từ điển Annam - Latin. Bộ từ điển này gồm hai phần, phần tra chữ Nôm theo 214 bộ chữ Hán và phần từ điển Nôm - Quốc Ngữ - Latin. Phần tra chữ Nôm dạy về cách đọc chữ Nôm theo bộ và số nét. Phần thứ hai là tự điển tiếng Việt ghi theo lối viết Nôm và Quốc Ngữ, sắp theo mẫu tự abc. Số lượng từ trong phần này là 4843 từ đơn và mấy chục ngàn từ kép. Tất cả đề được ghi và giải nghĩa bằng chữ Latin. Những cải tiến trong quyển từ điển này là: thống nhất các phụ âm đầu, loại bỏ các phụ âm: bl, de, ge, ml, tl và thống nhất các phụ âm cuối. Ngoài ra vì được sự cộng tác của nhiều người Việt cho nên trong quyển từ điển này có cả trăm câu ca dao, tục ngữ rất có giá trị như: Sá bao cá chậu chim lồng, Hễ người quân tử có cùng mới nên Duỗi theo ống thẳng lận theo bầu tròn Bụng làm dạ chịu Cháu đẻ ra ông Thắp đuốc tìm giàu, giàu chẳng thấy Cầm gươm chém khó, khó theo sau. Những câu này đã được ghi bằng chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ và chữ Latin. Thật là một tài liệu giá trị.

C. Lần Chỉnh Đốn Thứ Nhì: Từ Điển Taberd (1832)

Với sự hợp tác của Phan Văn Minh và nhiều người Việt Nam khác, Taberd đã sử dụng và bổ sung quyển tự điển của Béhaine để hoàn tất hai quyển tự điển: Annam-Latin và Latin-Annam. Tự điển này có nhiều từ hơn quyển những quyển tự điển đã làm trước đó. Tự điển Annam-Latin của de Rhodes (1651) có 3772 từ, De Béhaine (1772) có 4843 từ, Taberd (1838) có 4959 từ. Nên biết rằng trong việc biên soạn quyển từ điển này, Taberd chỉ chủ trương và phối hợp. Còn công việc biên soạn phần Nôm, phần Quốc Ngữ và thích nghĩa là công việc của một số người Việt Nam.

III. Giai Đoạn Phát Triển: Từ Năm 1862 Trở Về Sau

Cho đến năm 1862, chữ Quốc Ngữ chỉ được sử dụng trong giới truyền giáo, nhưng khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, chữ Quốc Ngữ đã trở nên phổ thông. Cần sử dụng chữ Quốc Ngữ làm phương tiện cai trị nên người Pháp đã ra sức phổ biến chữ Quốc Ngữ và vì chữ Quốc Ngữ rất là dễ học so với chữ Nôm hoặc chữ Hán, chữ Quốc Ngữ trở nên thông dụng. Trong giai đoạn này đã có nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ được ấn hành như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Gia Huấn Ca, Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, tự điển song ngữ của Trương Vĩnh Ký, v.v. Đặc biệt là quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895), quyển tự điển xưa nhất mà hiện nay còn lưu hành với 7537 từ đơn. Quyển này chứa nhiều từ ngữ xưa mà ngày nay không còn được sử dụng nữa. Vì vậy, nó là một kho tài liệu vô cùng quí giá. Song song với những tác phẩm trên, nhiều tờ báo đã được lưu hành như Gia Định Báo (1865), Phan Yên Báo (1868), Nhật Trình Nam Kỳ (1883), Nam Kỳ Địa Phận (1883), Nông Cổ Mím Đàm (1901), v.v. Đánh dấu sự tiến triển vượt bực của chữ Quốc Ngữ.

IV. Chữ Quốc Ngữ Ngày Nay

Chữ Quốc Ngữ đã góp phần to lớn trong công việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa nước nhà. Vì dễ học, cho nên đại đa số quần chúng có thể thưởng thức những tác phẩm Hán và Nôm đã được Quốc Ngữ hóa. Nhiều tác phẩm mới đã được phát hành rộng rãi vì phương tiện ấn loát dễ dàng và ít tốn kém, đặc biệt là từ khi chữ Quốc Ngữ được điện toán hóa. Chữ Quốc Ngữ đã tạo điều kiện cho nền Văn Học Việt Nam phát triển toàn diện. Một số thầy trường Văn Lang tóm lược. (Tài liệu: Chữ Quốc Ngữ Trên Đất Sài Gòn - Gia Định Những Thế Kỷ XVII-XVII-XIX của Trần Văn Giàu, Thanh Lãng và Hoàng Xuân Việt) _________________________________

Chú thích:

(1) "Quốc ngữ" có nghĩa là ngôn ngữ của một quốc gia, nhưng vì lúc mới hình thành loại chữ viết này được gọi là chữ quốc ngữ, dùng riết rồi quen cho nên chúng tôi xin viết hoa như tên của một loại chữ viết. (2) Có vài học giả cho rằng trước khi dùng chữ Hán, nước ta đã có một loại chữ "quốc ngữ" mà sau này bị chữ Hán bức tử. Giả thuyết này cho rằng những hình khắc trên trống đồng Ngọc Lũ là chữ của nước ta vào thời Âu Lạc, Hùng Vương. (3) Thanh Lãng, "Những chặng đường của chữ Việt quốc ngữ", Tạp Chí Đại Học số, tháng 2/1961 - Kỷ niệm giáo sĩ Đắc Lộ. 2. Một số nét tìm dược về chữ quốc ngữ ở trang khác a. tài lieu 1. Trương Vĩnh Kí là chỉ bút Gia Định báo (1865–1897) – tờ báo dùng chữ quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam. Ông cũng mở trường dạy chữ quốc ngữ. Các ông Trương Vĩnh Kí, Huình Tịnh Paulus Của là những người đầu tiên dùng chữ quốc ngữ để truyền bá học thuật và tư tưởng Âu-Tây, soạn Từ điển Việt–Pháp và Từ điển Pháp–Việt để người Việt học tiếp Pháp và người Pháp học tiếng Việt. b. Tài liệu 2 Chữ Quốc ngữ, dùng mẫu tự La Tinh ghi âm tiếng Việt Nam, do các giáo sĩ Tây Phương và những người Việt hợp tác sáng chế ra từ đầu thế kỷ XVII, nhưng suốt một thời gian dài gần ba trăm năm nó chỉ được lưu hành trong phạm vi nhà thờ để truyền giáo, mãi cho đến đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ mới được phổ biến rộng rãi và được dùng làm văn tự chính thức thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm. Từ khi ra đời đến nay,chữ Quốc ngữ đã phát triển qua các giai đoạn : 1) Giai đoạn hình thành Khi đặt chân lên đất nước ta, trước tiên các giáo sĩ phải học tiếng nói để giao tiếp với người bản xứ. Họ phải hiểu người Việt và làm sao nói được tiếng Việt thì mới có thể thuyết phục những lương dân theo đạo Ki tô. Do đó, trong quá trình tìm tòi, học hỏi, các giáo sĩ đã tìm ra cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh để giúp cho những giáo sĩ người Âu mới đến xứ Nam học tiếng Việt một cách dễ dàng, nhanh chóng. Khi truyền đạo các giáo sĩ không chỉ giảng bằng lời nói còn phải dùng kinh sách nên họ sử dụng thứ chữ mới này để viết giáo lý bằng tiếng Việt. Vậy là vì mục đích truyền giáo, chữ Quốc ngữ được các giáo sĩ Tây phương sáng chế ra để làm phương tiện phổ biến rộng rãi đạo Ki tô. Người tiên phong trong công cuộc khai sinh chữ Quốc ngữ là linh mục Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha. Theo các tài liệu còn lưu lại thì từ cuối thế kỷ XVI đã có các đoàn truyền giáo của Tây phương đến Đàng Trong nhưng hoạt động của họ không đạt kết quả mong muốn. Mục tiêu chính của họ lúc bấy giờ là nhắm vào Trung Hoa và Nhật Bản, họ nỗ lực chinh phục hoàng đế Trung Hoa trở lại đạo với niềm tin rằng nếu việc làm này thành công thì các quốc gia lệ thuộc từ Đàng Ngoài, Đàng Trong của Đại Việt đến Xiêm La hẳn phải noi theo. Với chiến lược truyền giáo này, các nước nhỏ không được xem là ưu tiên. Những linh mục được đào tạo ở Học viện Ma Cao là chuẩn bị để đưa vào Nhật Bản truyền giáo chứ không phải để đưa sang Đàng Trong. Nhưng từ năm 1614, hoàng đế Nhật Daifusama ra lệnh trục xuất các thừa sai ngoại quốc, mở đầu cuộc bách hại đẫm máu kéo dài gần nửa thế kỷ. Nguyên nhân là vì các lái buôn Hòa Lan theo Thệ phản giáo muốn tranh thương với người Bồ và làm cản trở hoạt động truyền giáo của Giáo hội Công giáo, đã tìm cách xúi giục Nhật hoàng cấm đạo. Những giáo dân Nhật muốn giữ đức tin đã vịn cớ buôn bán để xin ra nước ngoài, họ đến trú ngụ ở các khu cảng vùng Đông Nam Á lập thành các họ đạo nhỏ, những thừa sai bị trục xuất cũng đi theo. Một số giáo dân Nhật đến thương cảng Hội An sinh sống, họ mong chờ một thừa sai đến với họ, vì thế mà Giáo đoàn Buzomi thay vì đi Nhật lại sang truyền giáo ở Đàng Trong. Người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi hãy đến xứ Nam truyền giáo của chúa Nguyễn là linh mục Buzomi, người Ý, ông được Alexande de Rhodes mô tả là “một người nóng như lửa, lòng nhiệt thành của ngài nung nấu mọi tâm hồn”. Có thể xem Buzomi là người chính thức đặt nền móng cho công cuộc rao giảng phúc âm ở xứ Đàng Trong. Alexandre de Rhodes đã ghi rõ việc này trong cuốn “Hành trình và truyền giáo”: “Cơ hội tiên khởi để bắt đầu công cuộc truyền giáo này là Ferdinand de Costa đức ông người Bồ, đã về Macao sau khi tới Đàng Trong. Ông tới tìm các cha và kể những sự ông đã thấy cùng nói tới triển vọng tốt đẹp về việc truyền giáo cho đất nước này. Cha Buzomi, sau khi nghe biết, liền đến quỳ dưới chân bề trên, xin cho phép đi tới đất nước mà Chúa kêu gọi ngài. Lời xin liền được chấp nhận. Thế là ngài trẩy đi ngay đầu năm 1615 và tới nơi vào ngày lễ thánh Phêrô lập tòa ở thành Roma 18 tháng giêng. Ngài nghĩ ngay đến việc cất một nhà nguyện ở Hội An nơi tàu đưa ngài đến chính ngày lễ Phục sinh” ( Hành trình và truyền giáo, tr 52) Cha Buzomi được chúa Sãi tiếp đón niềm nở, được chúa ban cho một tờ chiếu đóng dấu đỏ của triều đình cho phép cha được tự do truyền giáo khắp nơi trong xứ Nam. Để tiện cho công cuộc truyền giáo, ban đầu cha Buzomi nhờ giáo dân người Nhật thông ngôn. Người Nhật đến Hội An buôn bán đã lâu, họ đã có cơ ngơi ở đô thị này và cũng có nhiều mối quan hệ với những quan chức ở Thanh Chiêm nên giúp được cho cha Buzomi vượt qua những hạn chế lúc mới bắt tay vào việc. Về sau cha Buzomi tìm được một giáo dân tân tòng có tên thánh là Agostinô, một thanh niên đầy nhiệt tình và quả cảm, giúp việc cho cha. Theo Bartoli, Agostinô là người đầu tiên trong tổ chức các thầy giảng ở xứ Nam và sau này ở xứ Bắc.(Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở việt Nam, tr 60). Người này, theo Francisco de Pina, là người có học văn học và thông hiểu các giáo phái là cánh tay đắc lực cho Buzomi. Agostinô đã dạy tiếng Việt cho Buzomi, nhưng không có cách nào Buzomi thông thạo được tiếng bản xứ và vì vậy luôn luôn phải cần đến thông dịch viên để giảng đạo. Việc đầu tiên của cha Buzomi là “tìm học hỏi phong tục tiếng nói của dân bản xứ, trước khi muốn đem tin lành đến cho họ. Cha có những nhận xét rất đúng về nền văn hóa Việt Nam. Theo cha, Việt Nam là một nước văn minh, có một trình độ văn hóa cao, trọng cổ truyền, trọng “chữ viết và sách chữ”. Về văn tự thì phân ra một đàng là lối nói bình dân, một đàng là lối nói của văn gia…”Họ viết bằng bút lông, và chữ viết đó trong những giấy tờ thường dịch, còn muốn hiểu và đọc được sách chữ, thì phải học một số rất nhiều thứ chữ mà ở đây chúng tôi gọi là chữ Hán, chữ dân chúng thường dùng thì cũng giống thể chữ Hán, nhưng lối đọc lại khác. Còn tiếng nói thì cung giọng êm dịu và giàu hơn tiếng nói của người Trung Hoa, nghe như người ta bình một bài thơ phổ nhạc”.(Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tr 61) Trước khi Buzomi đến, một số giáo sĩ theo tàu buôn đến Hội An đã tranh thủ truyền bá phúc âm cho một số ít người Việt, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên đã gây nhiều ngộ nhận. Christophe Borri kể một chuyện điển hình về việc này: “Một hôm đi dạo trên bãi biển, thấy một bọn hát tuồng rong đang làm trò cho dân chúng xem, đứng lại cha đã được chứng kiến hài kịch sau đây: Một con hát bước ra sân khấu với cái bụng độn rất to, theo sau là một con hát giắt một em nhỏ. Con hát bụng độn hỏi em nhỏ: “Con gnoc muon bau tlom laom Hoa Laom chiam” (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng). Em nhỏ thưa có. Tức thì con hát đứng bên tìm cách nhét em bé vào trong cái bụng độn giữa tiếng cười thỏa chí của khán giả. Hài kịch diễn lại mấy lần mà người đứng xem vẫn không chán”. Nhờ câu chuyện đó mà cha Buzomi hiểu ra là người thông ngôn đã dịch sai câu mời gọi người tân tòng muốn lĩnh nhận phép rửa. Dân chúng hiểu lầm đem ra chế diễu cho người theo đạo là bỏ quốc gia dân tộc, trở thành người Hòa Lan. (Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tr 62) Hòa Lan là đối thủ của Bồ Đào Nha trên biển, trên thương trường và cả về tôn giáo, người Bồ nói người Hòa Lan theo đạo Thệ phản. Người Việt đầu thế kỷ XVII thường gọi lầm đạo Công Giáo là “đạo Hoa Lang”. Cùng đi với Buzomi có linh mục Carvalho, là vị truyền giáo của người Nhật, ông thông thạo tiếng Nhật và phong tục của người Nhật, nên khi đến Hội An giáo đoàn đã được giáo dân Nhật đang lập nghiệp ở đây ủng hộ hết mình. Năm 1616, cha Antonio Fernandez được tăng cường để thay cho cha Carvalho được gọi về Macao để sang Nhật truyền giáo. Năm 1617, linh mục Francisco de Pina được cử đến Đàng Trong. Pina là linh mục trẻ, có quyết tâm học tiếng Việt để tiếp xúc với người bản xứ rao giảng phúc âm khiến cho họ mau trở lại đạo. Đến Đàng Trong Pina đã tự nguyện lao vào học tiếng Việt để phụng sự việc Chúa vì “hiệu quả trình bày các mầu nhiệm bằng ngôn ngữ của họ thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn. Thông ngôn chỉ nói điều mình dịch chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng nhà truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí.” (Hành trình và truyền giáo, tr 56) Ông phải gấp rút học nói vì một mình ông phải gánh vác mọi việc không có ai đỡ đần như ông đã trình bày trong bức thư gởi cho cha bề trên ở Ma Cao: “Với con trong giáo khu này, con không nhởn nhơ giữa việc học nói và việc giảng đạo. Đơn giản là con không có ai đỡ việc cho chút ít, chính con phải đi giảng đạo, phải ra gặp người đến và người đi, phải đàm thoại chỗ này chỗ nọ, chính con phải thăm giáo dân, người ở gần cũng như người ở xa, biết bệnh tật của họ, biết biến cố may hay rủi của đời họ. ” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, tr 46). Ông đã nhanh chóng vượt qua trở ngại của ngôn ngữ, chẳng bao lâu đã nói thông thạo tiếng Việt, tự mình có thể truyền giáo không cần người thông dịch, trong khi những đồng đạo của ông như Buzomi, Fernandez không được cái may mắn đó, họ rất lung túng khi phát âm nên có nhiều chuyện lầm lẫn tức cười khi họ nói tiếng Việt. Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phê rô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Ky tô giáo, có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh. Năm 1622, nhờ sự trợ giúp của một số học sinh Việt Nam, Pina đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La Tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam. Ông đã sưu tập được một tuyển tập các truyện để cung cấp những trích dẫn nhằm củng cố nghĩa của các từ và các qui tắc ngữ pháp và ông bắt đầu viết ngữ pháp. Năm 1624, tại Thanh Chiêm, Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt đầu tiên cho những người ngoại quốc, trong đó có hai học trò rất cự phách là Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes. Ông còn muốn đào tạo cho những người trẻ này hiểu sâu về ngôn ngữ Việt Nam để có thể cùng ông gánh vác công việc tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa bản xứ. Cuối năm 1625, Pina đột ngột qua đời nhưng nhiệt tâm học tiếng Việt vẫn sôi sục ở những đồng huynh trẻ của ông, nổi bật là Alexandre de Rhodes. Vận dụng những kiến thức tích lũy được từ khi say mê học ngôn ngữ với Pina tại Dinh Chiêm, những năm hoạt động ở Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes đã bắt đầu soạn cuốn sách giáo lý bằng chữ Quốc ngữ đó là Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn(muốn)chịu phép rửa tội mà beào(vào)đạo thánh đức Chúa blời (trời,lời). Khi còn là bản thảo, cuốn sách này đã được dùng vào việc truyền giáo ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, nhất là để huấn luyện các thầy giảng. Ông cũng sử dụng bản thảo cuốn Từ điển Việt-Bồ của Gaspard de Amaral, và cuốn Bồ-Việt của Antonio Barbosa để soạn cuốn Từ điển Việt-Bồ-La. Amaral và Barbosa đều là giáo sĩ Dòng Tên, đã đến giảng đạo một thời gian ở Đàng Ngoài sau A.d.Rhodes và đã từ trần năm 1646-1647. Hai cuốn sách này đều được in tại Tòa Thánh Rôma năm 1651. Đây là cái mốc đánh dấu lần đầu tiên sách Quốc ngữ được ấn hành. Từ đó, chữ Quốc ngữ được sử dụng ngày càng nhiều trong phạm vi nhà thờ để phục vụ cho mục đích truyền giáo. Một số giáo sĩ người Việt dùng chữ Quốc ngữ để viết thư. Sau đó Hồ văn Nghi hợp tác với giám mục Pigneau de Béhaine ( Bá Đa Lộc) biên soạn Từ điển An Nam-La Tinh hoàn thành năm 1772 nhưng chưa được in, Phan văn Minh hợp tác với Giám mục Taberd biên soạn Từ điển An Nam-La Tinh in năm 1838. Trước năm 1859, tại Gia Định, các giáo sĩ Ki Tô đã thành lập trường Collège d'Adran dạy chữ La Tinh, Quốc ngữ và chữ Pháp cho học sinh. 2) Giai đoạn phát triển Cuối thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ bắt đầu được phổ biến rộng rãi và trở thành công cụ phục vụ cho mục đích chính trị. 2.1 Pháp truyền bá chữ Quốc ngữ để làm công cụ cai trị Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định, để đào tạo những người giúp việc trong bộ máy cai trị, phó đô đốc Léonard Charner ra nghị định ngày 21- 9-1861, dùng trường Collège d'Adran thành lập Trường thông ngôn tên là "Collège Annamite-Français de Monseigneur l'Évêque d'Adran" dạy chữ Pháp cho người Việt và dạy chữ Quốc ngữ cho người Pháp. Khi Louis Bonard đến thay Charner ngày 29-11-1961, Bonard cho phát hành báo Le Bulletin Des Communes có phần chữ Nho để phổ biến rộng rãi tin tức cho người Việt và người Hoa ở Gia Định. Ngày 15-4-1865, tờ báo tiếng Việt đầu tiên bằng thứ chữ mới, ghi âm theo mẫu tự La-Tinh là Gia Định Báo ra đời tại Sài Gòn. Trên Gia Định Báo số 4, ngày 15-4-1867, Pétrus Ký (1837-1898) đã viết một bài khuyến khích học chữ Quốc ngữ : "...Thầy Ký dạy học có làm sách mẹo [văn phạm] dạy tiếng Lang Sa [Pháp], có làm ra chữ quốc ngữ để người ta dễ học. Những người ký lục [thư ký] giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ và viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẻ [khó dễ] cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường [Tôn Thọ Tường] đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết..." Ngay sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ (1867 ), Pháp bãi bỏ các kì thi chữ Hán và thay vào đó một nền giáo dục Pháp Việt . Họ đã thấy ngay vai trò lợi hại của chữ Quốc ngữ nên quyết tâm đào tạo những người biết chữ Pháp, chữ Quốc ngữ để làm tay sai cho họ. Nhiều nghị định liên tiếp được ban hành nhằm mục đích phổ biến chữ Quốc ngữ, dùng để thay thế chữ Hán và chữ Nôm : Ngày 14/11/1874 ,Thiếu tướng Hải quân Krantz giữ chức Thống soái Nam kỳ ,đã ký nghị định mở trường trung học Chasse Loup Laubat ở Sài Gòn vừa dạy tiếng Pháp vừa dạy chữ Quốc ngữ cho con em người Pháp đang cai trị tại Nam kỳ và con em các quan lại làm việc với họ . Ngày 6/4/1878 ,Thống đốc Nam kỳ là Louis Lafont ra nghị định số 82, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1882 bắt buộc các công văn, thư từ phải viết bằng chữ Pháp hay chữ Quốc ngữ chứ không được viết chữ Hán, chữ Nôm và chỉ những người biết Quốc ngữ mới được tuyển dụng vào các cơ quan hành chánh cấp phủ, huyện, tổng. Ngày17/1/1879, Thống đốc Nam kỳ Lafont ký nghị định mở trường Trung học Mỹ Tho . Ngày 17/3/1879 chính quyền thuộc địa Pháp thiết lập Sở Học chánh Nam kỳ và đưa ra chương trình giáo dục Pháp-Việt bậc tiểu học, gồm có 6 năm học; theo đó trong ba năm đầu, học sinh phải học ba thứ chữ là chữ Nho, Quốc ngữ và chữ Pháp; ba năm sau, học sinh chỉ còn học Quốc ngữ và chữ Pháp. Ngày 18/11/1896 Toàn quyền Đông Dương A. Rousseau kí nghị định cho phép mở trường Quốc Học Huế . Ngày 6/6/1898, riêng ở Bắc Kỳ, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định tổ chức một kỳ thi phụ sau kỳ thi hương truyền thống tại Nam Định. Các môn thi gồm tiếng Pháp và quốc ngữ, không có chữ Nho. Những người đậu cử nhân hay tú tài Nho học trong kỳ thi hương, nếu đậu luôn kỳ thi phụ, sẽ được ưu tiên chọn ra làm quan. Ngày 27/4/1904 Pháp ra nghị định thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp -Việt ở Bắc kỳ Năm 1906 ,Toàn quyền Paul Beau ra nghị định bắt dân các xã lập trường tiểu học dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây .... Những nỗ lực phổ biến chữ Quốc ngữ của thực dân Pháp nhằm mục đích đào tạo những người làm tay sai và loại bỏ nền văn hoá Hán Nôm từ hàng ngàn năm đã ăn sâu vào cội rễ tư tưởng người Việt để thay vào đó là nền văn hoá Pháp, hầu củng cố chế độ thực dân.Việc làm đó tất yếu phải gặp sức kháng cự của nhân dân yêu nước . 2.2 Phong trào Duy Tân truyền bá Chữ Quốc ngữ để làm công cụ cứu nước Đầu thế kỷ XX phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo khởi lên từ Quảng Nam với một đường lối chủ trương mới mẽ , tiến bộ, đã làm nô nức lòng người. Mục tiêu"khai dân trí ,chấn dân khí ,hậu dân sinh" trở thành động lực thúc đẩy nhân dân tập hợp dưới bóng cờ của phong trào, trong đó mục tiêu khai dân trí được đặt lên hàng đầu . Công cụ để tiến hành sứ mệnh đó không gì tiện dụng hơn chữ Quốc ngữ . Mặc dầu lúc bấy giờ chữ Quốc ngữ còn có nhiều nhược điểm, nhưng so với chữ nôm thì lại đơn giản, tiện lợi, có tính khoa học hơn nhiều, do đó rất hữu ích cho việc truyền bá chủ nghĩa Duy tân và nâng cao dân trí. Vì vậy các nhà lãnh đạo phong trào bèn ra sức hô hào học chữ Quốc ngữ : Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước , Phải đem ra tỉnh trước dân ta , Khuyến học - Trần Quí Cáp Cùng một phương tiện là chữ Quốc ngữ nhưng Pháp và các chí sĩ cách mạng sử dụng với hai mục đích trái ngược nhau. Phải nói sao cho dân hiểu, dân làm, tránh hiểu sai, hiểu lầm, không để cho kẻ địch lợi dụng, quả là một trận chiến cam go. Việc dạy chữ Quốc ngữ trong các trường Duy Tân buổi đầu không dễ dàng vì gặp phải sự chống đối của lớp người bảo thủ. Nhiều người đã kiên quyết không cho con em đi học thứ chữ "của Tây, của cố đạo" nhưng nhờ lòng kiên trì, nhiệt tình yêu nước, các giáo viên tân học đã tạo được cho dân chúng sự hiểu biết cũng như lòng tin vào tiền đồ của dân tộc, càng ngày số người theo học càng đông. Phong trào học chữ Quốc ngữ đã được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt, tại Quảng Nam chỉ trong vòng năm, sáu tháng 40 trường tân học đã được dựng lên để dạy chữ Quốc ngữ, truyền bá cái học mới. Không chỉ dạy chữ Quốc ngữ cho dân, phong trào còn dùng chữ Quốc ngữ để dịch các sách Âu, Mỹ, Trung quốc hầu phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh tế...để mở mang dân trí, ý thức dân quyền, đưa đồng bào tiến bước trên đường Duy Tân, cứu đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp : Sách Âu Mỹ ,sách ChiNa Chữ kia ,chữ nọ dịch ra tinh tường .....Một người học muôn người đều biết Trí ta khôn trăm việc phải hay Lợi quyền đã nắm trong tay Có cơ tiến hoá, có ngày văn minh Khuyến học -Trần Quí Cáp Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ bắt đầu từ Quảng Nam sau lan rộng ra cả Trung kỳ, Bắc kỳ. Năm 1907, cụ Phan Châu Trinh ra Hà Nội cùng các thân hào nhân sĩ đất Bắc như các cụ Lương văn Can, Nguyễn Quyền ...thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là một trường có quy mô tổ chức lớn, có nhiều giáo viên xuất sắc, vang danh khắp nước . Công cuộc Duy Tân đang được triển khai mạnh mẽ, quần chúng nhiệt tình hưởng ứng, nhưng tiếc rằng phong trào hoạt động chưa được bao lâu thì đến năm 1908 nhân cuộc biểu tình chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt giam các lãnh tụ Duy Tân, đày đi Lao Bảo, Côn Lôn, Trần Quí Cáp -nhà cách mạng giáo dục lỗi lạc của phong trào- bị tử hình. Các trường tân học bị đóng cửa, giáo viên bị đánh đập, giam cầm. Phong trào Duy Tân tan rã. 2.3 Chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của quốc gia Từ năm 1909, quốc ngữ được đưa vào chương trình thi hương trên toàn Trung và Bắc Kỳ. Trong kỳ thi hương, đến trường 3, thí sinh bắt buộc phải làm 2 đề luận: một đề chữ Nho và một đề Quốc ngữ. Kỳ thi hương năm 1912, trường 3 gồm hai đề quốc ngữ, và trường tư một đề quốc ngữ. Kỳ thi hương cuối cùng năm 1918 ở Trung Kỳ, từ trường hai đến trường tư đều có đề thi quốc ngữ. Ngày 21-12-1917 Toàn quyền Albert Sarraut ra nghị định về Quy chế chung của ngành Giáo dục công cộng ở Đông Dương (Règlement général de l'instruction publique en Indochine), gọi là "Học chánh tổng quy", áp dụng cho toàn cõi Đông Dương để thay thế cho học chế thời Paul Beau. Theo tổng quy mới, trong 5 năm bậc tiểu học, thì 3 năm đầu, học sinh học các môn bằng Quốc ngữ và chữ Pháp, chữ Nho không bắt buộc; hai năm cuối bắt buộc học các môn bằng chữ Pháp. Riêng 4 năm bậc trung học, mỗi tuần chỉ có 3 giờ quốc văn trong tổng số 27 giờ học mỗi tuần. Ở phần cuối tổng quy nầy qui định rằng các trường chữ Nho của tư nhân hay của triều đình, kể cả Quốc tử giám, đều được xếp vào loại trường tư và phải tuân theo quy chế của chính quyền Pháp nghĩa là bỏ luôn chương trình Nho học. Vì vậy, sau khoa thi hưong năm 1915, ở Bắc Kỳ không tổ chức thi Nho học nữa, ở Trung Kỳ, khoa thi hương cuối cùng năm 1918 và khoa thi hội cuối cùng năm 1919. Ngày 18-9-1924, toàn quyền Martial Merlin (từ 1923-1925) công bố nghị định sửa đổi lại Học chánh tổng quy của Sarraut. Theo học chế mới, ba năm đầu của bậc tiểu học, dạy hoàn toàn bằng quốc ngữ thay vì chữ Pháp hay chữ Nho, các lớp sau đó dạy bằng chữ Pháp. Từ năm 1925 trở đi, các tổ chức yêu nước chống Pháp viết truyền đơn, lời kêu gọi, sáng tác thơ văn ... đều dùng quốc ngữ. Ngày 11-3-1945 Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên cáo độc lập bằng Quốc ngữ và ngày 30-7-1945 ban hành dụ số 67 quy định từ niên khóa 1945-1946, bậc trung học Việt Nam dạy bằng Quốc ngữ. Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng Bộ Giáo Dục - Mỹ Thuật, đã đưa ra "Chương trình trung học" hoàn toàn bằng Quốc ngữ, môn Pháp văn cũng như Anh văn được xếp vào môn sinh ngữ, Hán văn là môn cổ ngữ. Chương trình nầy làm căn bản cho các chương trình trung học về sau. Hình thành từ đầu thế kỷ XVII cho đến nay, chữ quốc ngữ không ngừng được cải tiến và hoàn thiện để trở thành chữ viết chính thức của quốc gia, một công cụ vô cùng tiện lợi giúp chúng ta dễ dàng hội nhập với các nước trên thế giới. Châu Yến Loan 2. Có phải alech xando rot sang tao ra chữ Quốc ngữ không? Để soạn cuốn từ điển của mình, có lẽ Alexandre de Rhodes đã dựa vào những công trình ký âm Latinh tiếng Nhật (Romanji) đầu tiên của Yajiro, một người Nhật Bản cải đạo giữa thế kỷ XVI, tuy nhiên những tiền bối thực sự của ông là các linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha. Trong thông báo gửi độc giả cuốn từ điển, chính Alexandre de Rhodes cũng thừa nhận rằng ông chịu ơn những người tiền bối. Ông nói rằng ông đã làm việc trên cơ sở cuốn từ điển Việt-Bồ Đào Nha của Gaspar de Amaral và cuốn từ điển Bồ Đào Nha-Việt của Antonio Barbosa. Nhưng người thầy trước hết của ông là Francisco de Pina, cũng là một người Bồ Đào Nha. Từ năm 1622, Pina đã phát triển một hệ thống ký âm dùng chữ cái áp dụng cho ngữ âm và thanh điệu tiếng Việt, đã soạn một văn tuyển và bắt đầu viết một cuốn sách ngữ pháp (Roland, tr. 37) Năm 1624, Pina mở trường dạy tiếng Việt đầu tiên cho người nước ngoài, hai sinh viên trong số đó là Antonio de Fontes và ... Alexandre de Rhodes. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi các quy ước ký âm của chữ Quốc ngữ cho thấy ảnh hưởng của tiếng Bồ Đào Nha, điều chắc chắn không phải không có liên quan đến thực tế là giữa 1615 và 1788, trong số 145 linh mục dòng Tên tại Việt Nam có 74 người Bồ Đào Nha, trong khi chỉ có 30 người Ý, 5 người Pháp và 4 người Tây Ban Nha. Thật vậy, bảng chữ cái tiếng Việt là một sự áp dụng vào tiếng Việt bảng chữ cái được sử dụng trong các ngôn ngữ Roman của những nhà truyền giáo. Để biểu hiện các thanh điệu, họ sử dụng các ký hiệu trong tiếng Hy Lạp. Trong bảng ký âm này, Nguyễn Phú Phong, tiếp theo AG Haudricourt, nhấn mạnh ảnh hưởng của tiếng Bồ Đào Nha. Các phụ âm có nguồn gốc Bồ Đào Nha, đó là “gi”, “ch”, “x”, “nh”, còn các nguyên âm, đó là “â”, “ê”, “ô”. (A.G Haudricourt, tr. 61, Nguyễn Phú Phong, tr. 13-17) Các nhà truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào Nha và Alexandre de Rhodes đã phát triển hệ thống chữ Việt dùng chữ cái, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bỏ qua chữ Nôm. Hoàn toàn trái lại. Chữ nôm được họ sử dụng rộng rãi để truyền bá phúc âm dưới hình thức giáo lý, Thánh tích, các sách trích lời Thánh. Tên nhà truyền giáo người Ý Girolamo Majorica xuất hiện dưới 48 công trình khác nhau, tổng cộng 4200 trang[1]. Trên thực tế, như Jacques Roland đã nhấn mạnh, hệ thống chữ viết Latinh hóa trước hết là để giảng đạo và phục vụ công việc của nhà truyền giáo: "Nó cho họ một phương tiện tiếp cận khá thuận tiện với ngôn ngữ nói; nó cũng cung cấp một phương tiện trao đổi trí tuệ và giao tiếp bằng văn bản với những giới lãnh đạo người Việt của cộng đồng Kitô hữu, những người buộc phải học thứ chữ mới vì mục đích đó. Tình trạng phổ biến rất hạn chế của chữ Quốc ngữ thay đổi hết sức chậm cho đến giữa thế kỷ XVII. Khi đó, thứ chữ viết dùng chữ cái bắt đầu lan ra trong các cộng đồng Kitô giáo, có lẽ vì lý do an toàn đối lại với chính sách chống dị giáo và có lẽ cũng vì dễ sử dụng. (Jacques, tr. 51) Nhưng trên thực tế sự sáng tạo chữ Quốc ngữ không chỉ do công sức của các nhà truyền giáo châu Âu. Họ đã không thể hoàn thành được công việc này nếu không có sự giúp đỡ của những người Kitô giáo Việt Nam, những giáo lý viên (les catéchistes), những giáo hữu (les frères) và tất nhiên, các linh mục (les prêtres). Chính họ cũng là những người chúng ta phải chịu ơn với tư cách là tác giả của những tác phẩm văn xuôi đầu tiên ở Việt Nam viết bằng ngôn ngữ "nôm na" và phiên âm bằng ký tự Latin: Lịch sử An Nam của Bento Thien (1659), Sổ ghi nhớ và chép công việc do nhà truyền giáo dòng Tên Philippe Binh viết tại Lisbonne (1822). Vai trò quan trọng của các học giả Việt Nam trong toàn bộ công trình ngữ âm học này đã bị bỏ qua một cách bất công. Các cộng tác viên bản địa thường không được nhắc đến. Chỉ có một vài bằng chứng cho thấy sự hợp tác này. Francisco de Pina đã được giúp đỡ bởi một học giả trẻ người Việt có tên thánh là Pero, một "nhà văn giỏi chữ Hán bậc nhất" (Roland, tr. 3). Alexandre de Rhodes bày tỏ lòng biết ơn bằng những lời cảm động: "Giúp tôi là một cậu bé bản địa tuyệt vời, người đã dạy tôi trong ba tuần tất cả các thanh điệu của tiếng Việt và cách phát âm tất cả các từ. Cậu không biết ngôn ngữ của tôi, tôi cũng không biết thứ tiếng của cậu, nhưng cậu có một trí thông minh tuyệt vời khiến cậu ngay lập tức hiểu những gì tôi định nói. Và trên thực tế, chỉ trong ba tuần ấy, cậu ta đã biết đọc biết viết thứ chữ của chúng tôi và biết phục vụ thánh lễ. Tôi rất kinh ngạc trước sự lanh lợi và trí nhớ của cậu”. (Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions, 1854, tr. 89) Còn Tổng giám mục Pigneau de Behaine, người đã viết từ điển của mình ở Pondicherry, khoảng giữa tháng 6 năm 1772 và tháng 6 năm 1773, thì được sự giúp đỡ của tám học giả Nam Kỳ .

16 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    3. nhung dieu nay ko phai ai cung biet va quan tam,1 lich su vi dai cho con dan Viet Nam

      Xóa
  2. Tôi rất bài viết này, các bằng chứng nếu trong bài khá xác thực, thuyết phục, không thiên vị

    Trả lờiXóa
  3. Trả lời
    1. Vậy tóm lại ai là người tạo ra tiếng việt

      Xóa
    2. Vậy tóm lại ai là người tạo ra tiếng việt

      Xóa
    3. là rất nhiều các vị tu sĩ của dòng Tên, qua quá trình giảng đạo đã lập nên các cuốn từ điển và hoàn thiện qua từng giai đoạn đó bạn ạ !

      Xóa
    4. Vậy là ai đã tạo ra chữ quốc ngữ

      Xóa
  4. xem nhiều tài liệu lịch sử lắm mới viết đc bài hay như vầy, cảm tạ

    Trả lờiXóa
  5. đây là điều tôi đi tìm bấy lâu nay !

    Trả lờiXóa
  6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Ai viết bài viết nan là 1 người xuất sắc,xin cảm ơn những đóng góp cho cộng đồng

    Trả lờiXóa
  8. Bí mật của tiếng Việt đã được tìm ra, mời anh chị chú bác xem bí mật trong tiếng Việt này : https://bimatchuquocngu.blogspot.com/

    Trả lờiXóa